Trong những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này mỗi năm dao động 1,5 - 2,1 tỷ USD/năm.
Do đó, các chính sách kinh tế mới được đưa ra khi ông Donald Trump tái đắc cử được đánh giá sẽ có tác động đáng kể đến ngành hàng này.
Trong nhiệm kỳ 2017-2021 ở Nhà Trắng, ông Trump đã áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại mạnh mẽ, đặc biệt là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, dẫn đến những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.Các chính sách này chủ yếu nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ thông qua các biện pháp bảo hộ mạnh mẽ. Một trong những chính sách được Tổng thống Mỹ sử dụng là áp dụng nhiều biện pháp thuế quan nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.Trong nhiều năm trở lại đây, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Do đó, các thay đổi trong chính sách thương mại dưới thời ông Trump được dự báo sẽ có nhiều tác động đến các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là thủy sản.
Tôm và cá tra Việt Nam có cơ hội thay thế sản phẩm Trung Quốc tại Mỹ
Trong bối cảnh Mỹ - Trung đang đối đầu thương mại, Vasep cho rằng có thể xảy ra những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng và nhập khẩu của Mỹ. Cụ thể, Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.
Tính tới cuối tháng 10, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ mang về 1,85 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023.
Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, và việc Mỹ tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc, với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam để thay thế.
Khi chiến tranh thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội này, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu và khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vẫn có thách thức từ các chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ
Mặc dù Việt Nam có thể tận dụng một số cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Các biện pháp này có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.
Dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này. "Chính phủ Mỹ dưới thời Trump đã tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra", Vasep đánh giá.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia, những đối thủ lớn trong ngành thủy sản.
Ngoài ra, theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, giá thành sản xuất, chi phí thức ăn và thuốc thú y cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm ở Việt Nam còn khá cao. Các quốc gia như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia cũng có ngành tôm phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ. Các rào cản thương mại và yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản ngày càng khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.
Thêm vào đó, việc kiểm soát chi phí, dịch bệnh, môi trường chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến việc giá tôm Việt Nam chưa đủ cạnh tranh so với các nước khác.
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam ứng phó ra sao?
Từ thực tế đó, Vasep khuyến nghị các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với các yếu tố biến động của thị trường.
Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đảm bảo các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Mỹ.
Khách hàng và người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững, như nuôi tôm sạch, và nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC) để nâng cao uy tín và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Các doanh nghiệp cần cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng và đối tác ở Mỹ, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các nhà phân phối, siêu thị và các hệ thống bán lẻ lớn tại Mỹ.
Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, có chiến lược sản xuất và kinh doanh hiệu quả với giá thành sản phẩm phải hợp lý và minh bạch. Đồng thời, doanh nghiệp cần có các kế hoạch ứng phó nhanh chóng với các thay đổi về thuế quan và biện pháp thương mại của thị trường lớn này.
Trang Mai
Nguồn: Theo TẠP CHÍ DOANH NHÂN VN