Ngư dân Bình Thuận khai thác hải sản. Ảnh tư liệu.
Khai thác gắn liền với nuôi trồng thủy sản
Vùng biển của Bình Thuận đã được thiên nhiên ưu đãi về nguồn lợi sinh vật biển đa dạng và phong phú, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, thời gian vừa qua nguồn lợi thủy sản tại vùng biển Bình Thuận, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm sút nhiều. Có nhiều nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi ven bờ nhưng chủ yếu là do khai thác quá mức và ngư trường hẹp. Bên cạnh đó, nghề lưới kéo có kích thước mắt lưới nhỏ, đánh bắt không chọn lọc đã tàn phá ngư trường và nguồn lợi, phá hủy môi trường sinh thái rạn san hô, thảm cỏ – rong biển, làm mất nơi cư trú, sinh sản và phát triển của các loài thủy sản. Chính vì thế, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển của tỉnh đã suy giảm trong những năm vừa qua. Việc khai thác và nuôi trồng thủy sản là hai nội dung then chốt trong ngành thủy sản trong giai đoạn hiện nay. Nếu như khai thác thủy sản phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ngoài thiên nhiên thì nuôi trồng thủy sản sẽ đa dạng về nguồn lợi thủy sản. Nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng và khai thác hợp lý thì hiệu quả kinh tế cao, thu nhập của người lao động ổn định, đời sống ngư dân được nâng cao. Ngược lại khai thác hủy diệt, ô nhiễm môi trường thì nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, nghèo nàn dẫn tới sản lượng khai thác giảm, năng suất thấp, thu nhập từ khai thác không ổn định, đời sống ngư dân thấp. Nuôi trồng thủy sản là giải pháp để chủ động sử dụng tiềm năng mặt nước biển, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống, thức ăn công nghiệp, quy trình nuôi thương phẩm nên năng suất cao chất lượng sản phẩm tốt, tận dụng được lao động khai thác chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản. Nguồn lợi thủy sản là tài nguyên sinh vật có thể tái tạo, là tiền đề để phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề ra phát triển kinh tế biển, trong đó khai thác và nuôi trồng thủy sản đứng vị trí thứ 4 trong 6 ngành kinh tế biển chủ chốt của Việt Nam, đã tạo ra tiềm năng rất lớn để phát triển ngành thuỷ sản, trong đó hoạt động khai thác thủy sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là thế mạnh cho phát triển ngành thủy sản. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho ngư dân bám biển, ngư trường, chú trọng công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản biển nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân hướng đến phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh biển đảo. Đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng ngư dân được nâng cao cũng góp phần quan trọng vào giảm đói nghèo và phát triển kinh tế.
Chi cục Thủy sản thả sò lông tái tạo nguồn lợi.
Điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản cho phù hợp
Bên cạnh những thành tựu đạt được, nuôi trồng, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), sự suy giảm nguồn lợi thủy sản cả vùng biển do tình trạng khai thác quá mức cho phép, cơ cấu nghề khai thác còn hạn chế. Đặc biệt tàu khai thác ở vùng biển ven bờ với ngư cụ hủy diệt nguồn lợi, khai thác không theo mùa vụ, tổn thất sau thu hoạch còn cao, trang thiết bị an toàn tàu cá chưa đảm bảo, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ, trữ lượng thủy sản suy giảm, một bộ phận ngư dân chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế trong quá trình khai thác thủy sản. Công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được quan tâm thực hiện, tuy nhiên kết quả chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Cùng với đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khu vực đang đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với nghề cá trên biển của tỉnh. Ngành Thủy sản của tỉnh đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị trên thế giới và trên biển Đông còn bất ổn, diễn biến phức tạp. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động lớn đến định hướng phát triển bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trong thời kỳ mới. Hiện nay, tỉnh Bình Thuận cũng đang chuyển từ nuôi trồng, khai thác thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã yêu cầu phải điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác không thân thiện với nguồn lợi và môi trường, có tính chọn lọc thấp, khai thác thủy sản còn non ở vùng biển ven bờ. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập trung tại khu bảo tồn biển Hòn Cau, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn. Kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm. Tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng như: thanh tra chuyên ngành thủy sản, kiểm lâm, kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển, cảnh sát giao thông đường thủy, bộ đội biên phòng, công an địa phương… Thực hiện kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, trong vùng nội địa, gắn với công tác phòng chống, ngăn chặn đánh bắt hải sản IUU.
Phan Liên
Nguồn: Báo Bình Thuận
Nguồn: Báo Bình Thuận
The post Bình Thuận: Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản appeared first on Tạp chí Thủy sản Việt Nam.
Xem tiếp...